1/ Vị trí địa lý: Vùng Đông Nam Bộ có 1 thành phố trực thuộc trung ương là TP.HCM và 5 tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh.
- Phía Tây và phía Tây Bắc giáp với Campuchia
- Phía Nam – Tây Nam giáp với Đồng bằng sông Cửu Long
- Phía Đông – Đông Nam giáp với biển Đông
- Phía Bắc và Đông Bắc giáp Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ
![](https://blog.sachtaichinh.org/wp/wp-content/uploads/2023/04/Map-Dong-nam-bo-2.jpg)
2/ Vùng Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế phát triển nhất ở Việt Nam, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hằng năm, có tỉ lệ đô thị hóa hơn 60%.
Vốn là vùng kinh tế năng động nhất cả nước, đã có thời kỳ tỏ ra vượt trội so với các vùng khác về các chỉ số kinh tế, chỉ số năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây khu vực này đang chững lại, minh chứng cụ thể nhất là tốc độ tăng trưởng GDP thuộc dạng thấp nhất cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả yếu kém trên trong đó phải kể đến việc vùng này không có người dẫn dắt, 4 “ÔNG LỚN” trong vùng là TP.HCM – Đồng Nai – BRVT – Bình Dương đều đang có “vấn đề với nhau”, sự cạnh tranh nhau hay PCI (viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp, dân doanh. Vì lẽ đó nên sự kết nối giữa các tỉnh thành trong khu vực là rất hạn chế thể hiện qua một số ý sau:
- TP.HCM & BR-VT: Trước sự phát triển mạnh mẽ của cụm Cảng Cái Mép-Thị Vải với ưu thế vượt trội khiến TP.HCM đánh mất đi lợi thế cũng như thất thoát nguồn thu cho ngân sách (thu Thuế hải quan là 1 trong những nguồn thu khủng của TPHCM và BR-VT). Không cam chịu, mới đây TPHCM kiến nghị đầu tư siêu cảng Cần Giờ trị giá gần 6 tỷ USD ngay đối diện khu cảng Cái Mép-Thị Vải cũng như tăng tốc đầu tư nạo vét luồng lạch để phát triển cảng Hiệp Phước – Nhà Bè.
- Đồng Nai & BR-VT: Dự án cầu Phước An nối thị xã Phú Mỹ (BRVT) với Nhơn Trạch (ĐNai) đã được Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 4.879 tỷ đồng. Đây là dự án kết nối cụm cảng CM-TV với các KCN Nhơn Trạch và đường cao tốc Bến Lức-Long Thành cũng như giảm tải cho QL51 nên nó rất có ý nghĩa với BR-VT. Nguồn vốn từ TW sẽ hỗ trợ 2000 tỷ, còn lại 2879 tỷ do BR-VT bỏ ra, Đồng Nai không bỏ đồng nào. Dự kiến tháng 9/2022 sẽ khởi công nhưng chỉ mới khởi công phía đầu cầu tỉnh BRVT, phía Đồng Nai chưa rõ như thế nào. Tại Đồng Nai, vị trí các KCN chính thì tuyến huyết mạch giao thông chính gần như chỉ là Quốc Lộ 51, sự quá tải trên cung đường này đã thể hiện rõ khi vận chuyển hàng hóa của các Khu Công Nghiệp dọc 2 bên tuyến quốc lộ 51.
- TPHCM & Đồng Nai: Cầu Cát Lái đã có chủ trương từ hơn 20 năm trước nhưng đến nay 2 địa phương này vẫn chưa thống nhất xong vị trí. Dự án có ý nghĩa quan trọng với Đồng Nai nhằm phát huy tiềm năng của huyện Nhơn Trạch khi nằm sát vách TPHCM, mục tiêu 2020 lên thành phố nhưng đến nay mới chỉ có thị trấn. Tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án Xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai. Tỉnh đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng 3 phương án hướng tuyến để các cơ quan chức năng TP.HCM xem xét, lựa chọn phương án phù hợp. “Trong 3 phương án này, phía TP.HCM chấp thuận phương án nào thì Đồng Nai sẽ triển khai phương án đó” nhưng …TPHCM cứ thờ ơ cho đến tận bây giờ.
- TPHCM & Bình Dương: Quốc lộ 13 kết nối TPHCM với Bình Dương, Bình Phước và đi Tây Nguyên, là trục giao thông quan trọng nhất với Bình Dương nên được đặt tên là Đại lộ BD. QL13 đã có kế hoạch mở rộng và phía Bình Dương đang tích cực triển khai nhưng đoạn qua TP.HCM thì vẫn y nguyên. TPHCM đưa ra nhiều lý do, trong đó lý do nghe xuôi tai nhất là phải cân đối nguồn vốn.
![](https://blog.sachtaichinh.org/wp/wp-content/uploads/2023/03/Ha-tang-Cau-Dong-Nai-TPHCM.jpg)
Như vậy có thể thấy 4 “Ông Lớn” Đông Nam Bộ không phải là một khối đoàn kết, vì cái chung mà phát triển, cho nên tại hội nghị Tổng kết 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các ý kiến đều cho rằng cần có nhạc trưởng cho vùng. Là vùng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối yếu kém nên nếu Đông Nam Bộ tiếp tục mạnh ai lấy sống như hiện nay thì nguy cơ tụt hậu so với vùng kinh tế trọng điểm khác là khó tránh khỏi.