KHU PHỨC HỢP CÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ – DỊCH VỤ LONG THÀNH

Thuyết minh quy hoạch

QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG
KHU PHỨC HỢP CÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ – DỊCH VỤ LONG THÀNH ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Tỷ lệ 1/5.000

I/ PHẦN MỞ ĐẦU:

1.1.Lý do và sự cần thiết:

Đồng Nai nằm ở khu vực cửa ngõ thông ra phía Bắc của Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam, kết nối Miền Đông Nam Bộ với Duyên Hải Miền Trung và Nam Tây Nguyên, có vị trí, vai trò chiến lược về giao lưu kinh tế, thương mại và quốc phòng, an ninh ở Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam, là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là một trong 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất trong cả nước.

Huyện Long Thành nằm phía Tây tỉnh Đồng Nai, là huyện có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế động lực miền Đông Nam Bộ. Địa bàn huyện giáp với các khu công nghiệp của Biên Hòa và Nhơn Trạch – trong quy hoạch phát triển lên đô thị, có quốc lộ 51 là huyết mạch giao thông đường bộ chính nối Sài Gòn, Biên Hòa đến thành phố biển Vũng Tàu. Phía Tây nam có sông Đồng Nai dài 15km và sông Thị Vải dài 13km. Trong quy hoạch phát triển, trên địa bàn Long Thành hình thành nhiều tuyến đường: tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu, tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thanh – Dầu Giây (nối với quốc lộ 20 đi Đà Lạt), xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Huyện Long Thành đã được Chính phủ phê duyệt 04 khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp Gò Dầu, Khu công nghiệp An Phước, Khu công nghiệp Tam Phước và Khu công nghiệp Long Thành. Tỉnh  Đồng Nai quyết định thành lập 07 cụm công nghiệp: cụm công nghiệp Dốc 47, cụm công nghiệp Lộc An, cụm công nghiệp Vật liệu xây dựng An Phước, cụm công nghiệp Tam Phước 1, cụm công nghiệp Long Phước 1, cụm công nghiệp Long Phước 2, cụm công nghiệp Bình Sơn.

Đặc biệt, khu phía Tây thị trấn Long Thành – huyện Long Thành là khu vực có quỹ đất rộng, cảnh quan thiên nhiên đẹp với hệ thống sông ngòi phong phú, đa dạng, có các tuyến hạ tầng quốc gia, hạ tầng vùng đi qua với mật độ cao như các tuyến cao tốc Long Thành- Dầu Giây, tuyến Biên Hòa- Vũng Tàu, QL51, sân bay Long Thành, tuyến TL 319… Khu vực này nằm ở vị trí trung tâm vùng phát triển đô thị của tỉnh Đồng Nai, có kết nối trực tiếp với thành phố Biên Hòa và khu công nghiệp Long Thành ở phía Bắc, với Quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây, với đô thị Nhơn Trạch ở phía Nam và với thị trấn Long Thành ở phía Đông. Chính vì vậy, từ nhiều năm trở lại đây, khu vực này đã là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với hàng loạt các dự án đầu tư được cấp phép.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, khu vực này được định hướng phát triển tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp – dịch vụ và đô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao. Trong tương lai sẽ trở thành đô thị khoa học, là không gian đô thị khoa học và công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với không gian trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề này cũng đã được khẳng định trong Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định khu vực này là một trong 3 vùng phát triển với mô hình tỉnh công nghiệp – đô thị – dịch vụ và đô thị Long Thành là trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng với các cơ sở đào tạo công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; là trung tâm Văn hóa – Thể dục thể thao, trung tâm hội nghị triển lãm cấp vùng.

Với chức năng như vậy, khu vực phía Tây thị trấn Long Thành được xác định là khu vực có chức năng đặc thù. Căn cứ theo Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, phải triển khai lập quy hoạch chung xây dựng đối với các khu vực có quy mô trên 500 ha làm cơ sở để lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng là hết sức cần thiết.

Ngày 04/08/2015, UBND Tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định 2206/QD-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu phức hợp Công nghiệp, Đô thị- Dịch vụ Long Thành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/5.000. Đây là cơ sở đề bài để triển khai lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu phức hợp Công nghiệp, Đô thị- Dịch vụ Long Thành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/5.000.

1.3. Mục tiêu:

Xây dựng một khu vực phức hợp có các khu chức năng và hạ tầng đô thị đồng bộ; khai thác tối đa các lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên để phát triển công nghiệp công nghệ cao- đào tạo, đô thị và dịch vụ.

Tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư từ các nguồn vốn để nâng cao sức cạnh tranh; phát triển gắn kết với các trung tâm kinh tế khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng thành phố Hồ Chí Minh.

Tạo dựng môi trường thu hút các công ty đa quốc gia lớn nắm các công nghệ then chốt và  tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và chuyển giao công nghệ cho các công ty trong nước.

Kết hợp với thị trấn Long Thành trở thành đô thị loại 3, thuộc vùng công nghiệp, đô thị, dịch vụ – vùng trung tâm tỉnh Đồng Nai. Trong tương lai dài hạn, có thể sẽ hợp nhất chuỗi đô thị thành phố Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và một phần huyện Vĩnh Cửu thành 1 đô thị loại 1 trực thuộc Tỉnh

Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bố trí dân cư, hạ tầng xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển bền vững và hài hòa với môi trường cảnh quan.

Làm cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch chi tiết các khu chức năng, thu hút đầu tư, chuẩn bị đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch.

II/ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ HIỆN TRẠNG:

2.1. Điều kiện tự nhiên:

2.1.1. Vị trí địa lý:

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch nằm phía Tây Bắc huyên Long Thành, tiếp giáp với phía Tây thị trấn Long Thành, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 km, cách Biên Hòa 33 km, Vũng Tàu 60 km và cách Bình Dương khoảng 40 km.

Phạm vi nghiên cứu: nghiên cứu các bối cảnh phát triển vùng, bao gồm vùng tỉnh Đồng Nai, vùng các hành lang phát triển kinh tế – xã hội và đô thị của tỉnh Đồng Nai, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng thành phố Hồ Chí Minh, trọng điểm là hành lang Quốc lộ 51, hành lang cao tốc Long Thành- Dầu Giây và các khu vực tiếp giáp thuộc thành phố Biên Hòa, đô thị Nhơn Trạch, thị trấn Long Thành và khu sân bay Long Thành.

Phạm vi lập Quy hoạch: Giới hạn trong địa giới hành chính của xã Tam An (1860 ha), một phần xã An Phước (495 ha), một phần thị trấn Long Thành (150 ha), một phần xã Phước Thiền- huyện Nhơn Trạch (54 ha). Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 2559 ha.

Được giới hạn bởi:

– Phía Đông giáp ranh giới lập quy hoạch thị trấn Long Thành.

– Phía Tây giáp TP HCM.

– Phía Bắc một phần giáp thành phố Biên Hòa (Xã Tam Phước), một phần giáp Khu công nghiệp Biên Hòa.

– Phía Nam giáp huyện Nhơn Trạch.

2.1.2. Địa hình:

Khu phức hợp công nghiệp đô thị – dịch vụ Long Thành đô thị có địa hình tương đối phức tạp, phần lớn quỹ đất là vùng thấp trũng thuộc đồng bằng phù sa sông Đồng Nai. Chia thành 2 dạng địa hình.

Địa hình đồng bằng thấp trũng:  Thuộc  phù sa sông Đồng Nai, địa hình tương đối bằng phằng và nhiều kênh rạch, cao độ biến thiên từ 0,2m đến 2,5m.

Địa hình cao chuyển tiếp xuống từ khu đất cao xuống khu đất thấp: chủ yếu là khu vực đã có dân cư sinh sống, cao độ biến thiên từ 3,0m đến 16,5m.

2.1.3. Khí hậu:

  • Khu vực nghiên cứu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với các đặc trưng của vùng khí hậu miền Đông Nam bộ, có hai mùa tương phản nhau (mùa khô và mùa mưa).
  • Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau (khoảng 5 – 6 tháng),
  • Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (khoảng 6 – 7 tháng). Khoảng kết thúc mùa mưa dao động từ đầu tháng 10 đến tháng 12.

a/  Nhiệt độ:

  • Nhiệt độ trung bình hàng năm  khoảng 26oC.
  • Tháng 4 là tháng có nhiệt độ cao nhất từ 28  – 29oC.
  • Tháng 12 là tháng có nhiệt độ thấp nhất khoảng trên, dưới 25oC
  • Nhiệt độ cao nhất đạt tới 38oC, thấp nhất khoảng 17oC.
  • Biên độ nhiệt trong mùa mưa đạt 5,5 – 8oC, trong mùa khô đạt 5 – 12oC.
  • b/ Độ ẩm tương đối của không khí (%):
  • Độ ẩm không khí trung bình năm từ 78- 82%.
  • Các tháng mùa mưa có độ ẩm tương đối cao: từ  85- 93%.
  • Các tháng mùa khô có độ ẩm tương đối thấp:từ  72- 82%
  • Độ ẩm cao nhất  95%, thấp nhất 50%.

c/ Nắng:

  • Tổng số giờ nắng trong năm khoảng 2.600-2.700 giờ, trung bình mỗi tháng 220 giờ nắng.
  • Các tháng mùa khô có giờ nắng cao nhất khoảng 300 giờ, tháng 8 thấp nhất 140 giờ.

d/ Mưa:

Lượng mưa trung bình khoảng 1.800-2.000 mm/năm. Lượng mưa phân bố không đều tạo nên hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm trên 90% lượng mưa hàng năm, trong đó các tháng 8-9,10 có lượng mưa cao nhất; có tháng lượng mưa lên đến 500 mm. Các tháng mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với khoảng 10% lượng mưa trong năm. Có một số tháng hầu như không có mưa như tháng 1 và 2. Ngày có lượng mưa cao nhất đo được khoảng 430mm (1952).

e/ Gió:

Có hai hướng gió chính phân theo hai mùa. Mùa mưa thịnh hành hướng gió Tây Nam, mùa khô hướng gió Đông Bắc. Chuyển tiếp giữa hai mùa còn có gió Đông và Đông Nam thường được gọi là gió chướng, khi gặp thuỷ triều sẽ làm nước dâng cao vào đất liền. Tốc độ gió trung bình đạt 2,1-2,5 m/s, lớn nhất 25 m/s. Khu vực này ít chịu ảnh hưởng của bão.

2.1.4. Địa chất công trình:

  • Khu vực nghiên cứu chưa có tài liệu khoan khảo sát, nhưng qua tham khảo một số tài liệu địa chất khu vực xây dựng công trình tại một số nơi trong Huyện cho thấy  có cấu tạo như sau:
  • Phần lớn khu vực đất có cao độ trên 2m bề mặt là đất xám có cường độ chịu nén trên 2kg/cm2. Đây là loại đất xây dựng thuận lợi
  • Phần lớn diện tích đất thấp có cao độ dưới 1,5m là khu vực có nền đất yếu, cường độ chịu nén dưới 2kg/cm2. Đây là loại đất xây dựng phải xử lý nền móng triệt để theo loại công trình.

2.1.5. Địa chấn:

Khu vực nghiên cứu nằm trong vùng động đất cấp 8 ( theo tài liệu của viện Vật lý Địa cầu Quốc gia). Khi xây dựng các công trình lớn cần tính đến kháng chấn của cấp động đất đã được cảnh báo

2.1.6. Địa chất thủy văn

Qua thu thập tài liệu mực nước ngầm tại các hố khoan nhận thấy mực nước ngầm tương đối sâu, mực nước không xuất hiện ở các hố khoan.

Theo Liên đoàn 8 Địa chất thủy văn, nước ngầm tại vùng Long Thành Nhơn Trạch khá phong phú, tại đây đã khoan 20 giếng khoan thăm dò và 5 giếng khoan khai thác với lưu lượng 10 – 15 m³/giờ, đào đến độ sâu từ 9,0m đến 11,0m  có nước nhưng chất lượng nước chưa  dùng được.

Điều kiện địa chất công trình như vậy cho phép đặt chiều sâu tối đa các công trình.

2.1.7.Thủy văn

Sông Đồng Nai chảy qua ranh  giới  phía  Tây  khu  vực quy  hoạch.  Ngoài  ra  còn  có các nhánh sông, suối, rạch bắt nguồn  từ  khu  vực  phía  đông chảy  về  sông  Đồng  Nai  với mạng  lưới  dày  đặc  như  suối Bến  Năng,  Rạch  Hàng  Điều, Suối  Phèn  đổ  ra  sông  Quản Thủ.  Sông  Đồng  Nai  là  con sông lớn thứ hai của các tỉnh trải dài từ cực Bắc huyện Tân Phú,  Định  Quán  về  đến  cửa biển Xoài Rạp

2.1.8.Hải văn

Thủy triều là yếu tố quan trọng về mặt thủy động lực biển, đồng thời cũng là yếu tố có ảnh hưởng đến các điều kiện tự nhiên của khu vực đất thấp trong khu quy hoạch. Nước sông suối trong khu quy hoạch hoàn toàn bị chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông chi phối, số ngày bán nhật triều chiếm ưu thế, ngày có hai lần nước lên và hai lần nước xuống tương ứng với hai đỉnh triều cao và hai chân triều thấp, số ngày nhật triều hiếm, thường thấy trong thời kỳ nước cường.

Thời kỳ nước cường là thời kỳ sau ngày trăng tròn, hoặc không trăng 2 – 3 ngày, thời kỳ nước kém xảy ra vào sau kỳ trăng thượng huyền và hạ huyền 1 – 2 ngày.

Thủy triều truyền vào trong sông bị biến dạng cả về biên độ và chu kỳ bước sóng, làm ảnh hưởng tới các đặc trưng mực nước triều như: Hmax, Hmin và Hbq. Càng vào sâu biến đổi càng giảm nhanh, từ 3 – 3,5 m ở Vũng Tàu đến 2,30 – 2,80 m ở Biên Hòa và đến Hiếu Liêm cách cửa biển 144 km biên độ triều vẫn còn từ 0,9 – 1,2 m, độ dốc lòng sông nhỏ, các điều kiện về lòng dẫn thích hợp là những yếu tố thuận lợi cho triều tiến sâu vào nội địa.

2.1.9. Tài nguyên văn hóa :

  • Khu vực huyện Long Thành là một trong những vùng đất được phát triển khá lâu đời của tỉnh Đồng Nai, có cư dân người Việt đến khai thác từ rất sớm, nhưng dân số chỉ phát triển nhanh trong thời kỳ từ 1975 đến nay. Với thành phần dân số chủ yếu là người Kinh, số ít là người Hoa và người dân tộc, với tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo, ngoài ra còn có đạo Hòa Hảo, Cao Đài với công trình văn hóa vật thể mang đậm nét văn hóa qua từng thời kỳ như các miếu, đình, đền,… và các tập tục, lễ hội phi vật thể khác trong các cộng đồng dân cư như lễ hội cúng đình, cúng vía trời đất, lễ Kỳ Yên, đờn ca tài tử.
  • Nhân dân Long Thành có truyền thống yêu nước, cần cù, năng động, luôn phấn đấu xây dựng và phát triển địa phương phù hợp với nhịp điệu chung của xã hội; trong suốt quá trình xây dựng và phát triển những đặc tính đó luôn được phát huy và được ghi nhận trong đời sống xã hội bằng các di tích lịch sử được nhà nước công nhận, các thành tựu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội nhất là trong thời kỳ đổi mới.
  • Truyền thống phát triển, lợi thế về địa lý, những thành công trong phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian qua là điểm tựa vững chắc cho Đảng bộ và nhân dân Long Thành tiếp tục phát triển mạnh mẽ và vững chắc kinh tế – xã hội, huyện nhà trong những năm tiếp theo theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa để Huyện sớm trở thành đô thị hiện đại, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn Tỉnh.

2.2. Hiện trạng:

2.2.1. Hiện trạng nền kinh tế

Khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc huyện Long Thành – tỉnh Đồng Nai bao gồm: một phần thị trấn Long Thành 150 ha; một phần các xã Tam An: 1.860 ha; xã An Phước: 495ha. Trong tương lai, khu vực này kết hợp với thị trấn Long Thành sẽ phát triển thành đô thị loại 3, là trung tâm hành chính, văn hóa, kinh tế của Huyện và Tỉnh.

Huyện Long Thành là huyện phát triển về kinh tế công nghiệp, trên địa bàn huyện có 05 khu công nghiệp tập trung, trong đó: 03 KCN đã hoạt động (Gò Dầu, Long Thành và Long Đức) và 02 KCN đang xây dựng hạ tầng (Lộc An – Bình Sơn, An Phước); và cụm công nghiệp (Long Phước 1, VLXD Phước Bình, Tam An, ô tô Đô Thành). Toàn huyện có gần 200 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Đến năm 2015 huyện đã Thu hút vốn đầu tư trong nước được 14 dự án với tổng vốn đầu tư 2.039 tỷ đồng, Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 06 dự án với 16,85 triệu USD

Về văn hóa xã hội

  • Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,025% (đạt so với NQ <1,1%).
  • Giải quyết việc làm cho 25.440 lao động (đạt so với NQ 20.000 lao động), trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% (đạt so với NQ 65%). Giảm tỉ lệ lao động không có việc làm ở khu vực đô thị chiếm 1,11% (vượt so với NQ <2,6%).
  • Tỉ lệ ấp, khu đạt chuẩn ấp, khu văn hóa đạt 97% (vượt so với NQ >90%), hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa đạt 98% (NQ >98%), cơ quan đạt chuẩn có đời sống văn hóa đạt 100%. Dân số khu vực nông thôn tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa đạt 60,59% (chưa đạt so với NQ 80%), 37% số người tham gia tập thể dục thể thao thường xuyên (đạt so với NQ trên 31%); Có 14/14 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa đạt 100% (đạt so với NQ 100%); 91/97 ấp, khu có nhà văn hóa đạt 93,8% (vượt so với NQ 80%).
  • Tỉ lệ hộ dùng điện đạt 99,6% (đạt so với NQ >99%), riêng các điểm dân cư nông thôn được quy hoạch có 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia (đạt so nghị NQ 100%).

2.2.2. Hiện trạng dân số và lao động

a. Dân số:

Quy mô dân số khu vực quy hoạch khoảng 13.100 người bao gồm xã Tam An và một phần thị trấn Long Thành

–      Xã Tam An, theo số liệu thống kê năm 2013 có 10.800 người – 2.842 hộ (bình quân 3,8 người/hộ gia đình) được phân bố trong 6 ấp.

–      Một phần phía Đông Nam thị trấn Long Thành khoảng 2.300 người

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,02 %/năm

Dân cư trong khu vực  nghiên cứu  quy hoạch chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại  –  dịch vụ do xung quanh khu vực quy hoạch có các khu công nghiệp lớn như: KCN Long Thành, cụm công nghiệp Tam An

b. Lao động:

–      Tổng số lao trong độ tuổi 5.291 người, chiếm tỷ lệ: 56% dân số. Trong đó:

+ Lao động nông – lâm nghiệp           : 899 người, chiếm tỷ lệ: 17%.

+ Lao động CN – TTCN – TMDV       : 4.239 người, chiếm tỷ lệ: 80,12%.

+ Lao động ngành nghề khác              : 152 người, chiếm tỷ lệ: 2,88%.

Nhận định chung:

Nhìn chung lao động trong khu vực nghiên cứu  khá dồi dào và trẻ, nguồn lao động trẻ sẽ tạo cơ hội cho việc phát triển các hoạt động kinh tế, tuy nhiên hiện nay trình độ  lao động  có tay nghề cao còn ít, cần phải có các điều chỉnh về cơ cấu kinh tế để thu hút các lao động chất lượng cao và có chiến lược phát triển đào tạo nghề cho lao động cũng như thu hút các nhà đầu tư vào địa phương và sử dụng lao động tại chỗ.  Trong tương lai cần tính đến việc chuyển

2.3. Đánh giá tổng hợp

Thuận lợi

  • Là của ngõ giao thông kết nối các đô thị lớn, các trung tâm kinh tế lớn trong vùng với hệ thống đầu mối hạ tầng quốc gia
  • Quỹ đất đủ lớn để quy hoạch xây dựng một khu vực đô thị hiện đại  đồng bộ.
  • Cảnh quan sinh thái, mặt nước phong phú và đa dạng
  • Có vị trí thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường thủy và đường bộ.
  • Có khả năng kết nối với các tuyến hạ tầng quốc gia.

Khó khăn

Hạ tầng xã hội ,Hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn chưa được đầu tư hoặc xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân, đặc biệt các cơ sở hạ tầng vệ sinh môi trường đến các vấn đề về ô nhiễm và sự xuống cấp của môi trường.

  • Đô thị hóa tự phát lan rộng, áp lực nhà ở gia tăng, đặc biệt là nhà ở xã hội
  • Địa Hình thấp, đất bị chia cắt nhiều bởi kênh rạch nên không thuận lợi cho việc xây dựng.
  • Bị ảnh hưởng ngập bởi thủy triều sông Đồng Nai
  • TốC độ đô thị hóa nhanh làm thay đổi diện mạo và cấu trúc nhà  truyền thống. Không có phong cách kiến trúc chủ đạo
  • Lực lượng lao động chưa có tay nghề cao để đảm trách nhu cầu phát triển.

Cơ hội

  • Nâng cao chất lượng cuộc sống và cơ hội cho người dân địa phương, cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục và cơ hội việc làm
  • Người dân địa phương được tham gia vào quá trình ra quyết định cho tương lai khu vực sống của họ
  • Phát triển một cộng đồng hiện đại với đặc trưng riêng và khả năng kết nối với các đô thị khác và trong khu vực
  • Là cơ hội để cơ cấu lại QH sử dụng đất hợp lý và thống nhất.
  • Tạo dựng một môi trường đô thị công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường

Thách thức

  • Phát triển đòi hỏi phải đầu tư lớn và đa dạng về nguồn tài chính
  • Yêu cầu cho một lượng lớn lao động có kinh nghiệm, có tay nghề cao và khả năng quản lý
  • Đe dọa về phá vỡ sự cân bằng sinh thái và phá hủy môi trường thông qua phát triển quá mức hay không phù hợp
  • Cảnh quan truyền thống sẽ  bị biến đổi, đặt ra vấn để là nên giữ lại yếu tố nào
  • Khả năng đánh mất bản sắc, văn hóa và lối sống địa phương do sự phát triển
  • Cơ cấu sử dụng đất, cơ cấu ngành nghề … tăng sẽ tạo ra sự khó khăn hơn cho công tác quản lý
  • Khả năng xung đột giữa phát triển, bảo tồn, bảo tồn và sản xuất nông nghiệp
  • Có thể tăng ô nhiễm và tác động tiêu cực lên môi trường
  • Việc chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp sang đất đất xây dựng đô thị cần có sự cân nhắc.
  • Mật độ dân số tăng, lưu lượng phương tiện lớn lên sẽ là gánh nặng cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật
  • Vấn đề an toàn giao thông cũng thách thức  được đặt ra
  • Giải quyết đấu nối giữa hạ tầng xây mới và hạ tầng hiện có.

 

Trả lời

Copy link
Powered by Social Snap